Những địa điểm vui chơi Hội An
1. Chùa Cầu
- Vị trí: Cầu bắc ngang con lạch chảy ra sông Thu Bồn giáp ranh giữa hai đường Nguyễn Thị Minh Khai và Trần Phú.
“Ai đi phố Hội Chùa Cầu
Để thương để nhớ để sầu cho ai
Để sầu cho khách vãng lai
Để thương để nhớ cho ai chịu sầu“
Chùa Cầu là ngôi chùa được coi như là biểu tượng của Hội An – một biểu tượng đã được nhà nước in lên đồng tiền 200.000 đ. Chiếc cầu do các thương nhân Nhật Bản chung sức xây dựng vào đầu thế kỷ 17 nên đôi khi nó còn có tên gọi khác là “cầu Nhật Bản”. Cầu làm bằng gỗ trên những trụ đá dài 18m, có mái che cong cong vắt qua lạch nước chảy ra sông Thu Bồn.
Chùa Cầu là một di tích có kiến trúc khá đặc biệt với mái ngói âm dương lợp kín. Toàn bộ cầu được chạm trổ công phu mang đậm dấu ấn lịch sử năm xưa. Chùa thờ vị thần Bắc Đế Trấn Võ – vị thần bảo hộ xứ sở và ban niềm vui, hạnh phúc cho con người. Mặc dù do người Nhật xây dựng, chùa Cầu lại mang đậm nét kiến trúc đặc biệt của Việt Nam. Điều đặc biệt đầu tiên nằm ở kết cấu của cây cầu. Chùa Cầu dài khoảng 18m và là một cây cầu ngói – tức là cầu được lợp mái ngói âm dương bên trên – một nét đặc trưng của kiến trúc Việt Nam.
Cầu có mái che khá độc đáo, ở giữa là lối qua lại kiểu cầu vòng, hai bên có hành lang hẹp để làm nơi nghỉ mát với bảy gian bằng gỗ. Đúng hơn, toàn bộ chùa và cầu đều làm bằng gỗ, được sơn son và chạm trổ nhiều hoạ tiết tinh xảo trong kiến trúc Việt – điển hình là rồng. Mọi người đến Hội An đều chụp một bức ảnh làm kỉ niệm với chùa Cầu để làm kỉ niệm.
2. Hội quán Phúc Kiến
- Địa chỉ: 46 đường Trần Phú
Tương truyền, tiền thân của hội quán là một gian miếu nhỏ thờ pho tượng Thiên Hậu Thánh Mẫu – bà chúa phù hộ cho thương nhân vượt sóng gió đại dương – vớt được tại bờ biển Hội An vào năm 1697.
Hội quán Phúc Kiến có không gian rộng và sâu nhất, với lối kiến trúc xưa với kiểu ” Nội công ngoại quốc”, và bộ vì kèo tiền điện theo kiểu “Chồng rường giả thủ”, cùng với nhiều bức chạm lộng, chạm nổi hoa lá, điểu thú rất sinh động.
Đến thăm quan, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những công trình kiến trúc độc đáo, tinh xảo niên đại hằng trăm năm. Trong hội quán có nhiều tượng phật cùng chuông đồng mang giá trị tinh thần rất to lớn, hằng năm thu hút nhiều khách du lịch ghé thăm.
3. Hội Quán Triều Châu
- Địa chỉ: 157 Nguyễn Duy Hiệu
Hội quán có cái tên vô cùng dân dã là “Chùa ông Bổn”. Hội quán do Hoa kiều bang Triều Châu xây dựng vào năm 1845 và được sử dụng làm nơi sinh hoạt cộng đồng và tín ngưỡng.
Hội quán Triều Châu là một công trình kiến trúc cầu kỳ với bộ khung gỗ được chạm trổ tinh xảo, tỉ mẩn, cùng các họa tiết trang trí bằng gỗ theo truyền thuyết dân gian. Hội quán còn nổi tiếng với những tác phẩm đắp nổi bằng sành sứ tuyệt đẹp, thể hiện sự khéo léo tài hoa của người nghệ nhân xưa.
4. Xưởng thủ công mỹ nghệ Hội An
- Địa chỉ: số 9 đường Nguyễn Thái Học
Địa điểm là nơi trưng bày giới thiệu 12 ngành nghề thủ công nổi tiếng lâu đời của Hội An như gốm mỹ nghệ, mộc, lồng đèn nghệ thuật, chằm nón, đan lát mây tre, chạm khảm gỗ, sơn mài, quay xa dệt vải, thêu thùa…
Xưởng thủ công một phần tái hiện truyền thống đặc sắc của người dân khi xưa. Một phần vẫn tiếp tục tạo nên những sản phẩm thủ công chất lượng cao đến mức điêu luyện, không chỉ để làm quà lưu niệm mà còn phân bổ khắp các vùng khác của đất nước.
Đến thăm qua xưởng thủ công, không những du khách được tận mắt chứng kiến quá trình làm ra sản phẩm bắt mắt mà còn có thể tự tay tham gia vào một vài quá trình giúp lưu dấu những trải nghiệm thi vị trong chuyến thăm phố cổ Hội An.
5. Nhà thờ Tộc Trần
- Địa chỉ: Số 21 đường Lê Lợi
Nhà thờ Tộc Trần do một vị quan họ Trần từ Trung Hoa di chuyển về Hội An xây dựng lên vào năm 1802. Ngôi nhà mang đậm dấu ấn cổ xưa với nguyên tắc phong thủy truyền thống giao thoa giữa Trung Hoa và Việt Nam.
Vị trí đắc địa trên một mảnh đất rộng tới 1500m2, nhà thờ Tộc Trần được chia làm nhiều khu như: nhà thờ tự ông bà và trưng bày các di vật liên quan đến dòng họ, nhà ở… Đây cũng là một trong những khu du lịch hiểm hoi tại Hội An còn giữ nguyên được hình thể kiến trúc cổ.
6. Bảo tàng lịch sử – văn hóa
- Địa chỉ: số 10B, đường Trần Hưng Đạo
Bảo tàng hình thành từ năm 1989, có trưng bày trên 200 hiện vật cổ từ gốm, sứ, đồng, sắt, giấy, gỗ,… ghi dấu lại các giai đoạn phát triển quan trọng của Hội An từ thời văn hóa Sa Huỳnh.
Hằng năm Bảo tàng đón gần bảy mươi nghìn lượt khách trong nước và quốc tế Bảo tàng mở cửa tất cả các ngày trong tuần, riêng ngày 25 hàng tháng đóng cửa để thực hiện công tác chuyên môn nghiệp vụ.
7. Nhà cổ Tấn Ký
- Địa chỉ: 101 Nguyễn Thái Học, Minh Anh
Đứng vững hơn 200 năm, nhà cổ Tấn Ký vẫn giữ nguyên cho mình một lối kiến trúc đậm chất Hội An khi xưa với căn nhà được chia làm nhiều gian. Chủ nhà Tấn Ký xây dựng ngôi nhà vào thế kỷ XVIII để làm nơi buôn bán, mặt trước thông ra phố Nguyễn Thái Học, mặt sau thông ra bờ sông để tiện cho việc nhập hàng hóa.
Chất liệu chính làm nên nhà cổ Tấn Ký là gỗ và đá lát lấy từ Thanh Hóa. Nhờ loại đá đó mà gỗ không bị mục sau bằng đấy năm sóng gió. Là một ngôi nhà có phong cách giao thoa của 3 quốc gia: Việt Nam, Trung Quốc và Nhật Bản, Tấn Ký như một bức tranh sống động mô tả cuộc sống của giới thượng lưu Hội An năm xưa.
8. Vinpearl Nam Hội An
Vinpearl Nam Hội An là địa danh hiện đại duy nhất xuất hiện trong danh sách hôm nay bởi đây chính là khu vui chơi giải trí, trải nghiệm văn hóa và thiên nhiên hoang dã lớn nhất khu vực miền Trung, Tây Nguyên.
Nằm trong chuỗi quần thể du lịch, nghỉ dưỡng và giải trí Vinpearl, Vinpearl Nam Hội An mang tới những sản phẩm, mô hình và công nghệ vui chơi, giải trí đẳng cấp thế giới. Cũng tương tự như các mô hình giải trí Vinpearl Land tại những nơi khác, Vinpearl Nam Hội An có 9 khu vực gồm có: khu công viên nước, khu vui chơi giải trí trong nhà, khu bảo tàng văn hóa, khu chiếu phim,… và cuối cùng là khu bảo tồn động vật hoang dã River Safari – khu vườn thú mở du khảo bằng đường thủy duy nhất tại Việt Nam.
Nơi đây chăm sóc 39 loài thú quý hiếm: hổ Belgan, sư tử trắng, tê giác,… Ngồi trên thuyền, du khách sẽ có cảm giác như lạc trên dòng sông Amazon huyền thoại, vừa thăm quan vừa nghe tiếng chim gọi nhau, tiếng hổ gầm hòa cùng tiếng xào xạc của lá cây, tất cả sẽ đem đến cho bạn trải nghiệm tuyệt hảo tại khu vui chơi giải trí hấp dẫn này.
8. Cù Lao Chàm
Cù Lao Chàm là một cụm đảo nằm cách bờ biển Cửa Đại khoảng 16km, bao gồm 8 đảo lớn là: Hòn Lao (lớn nhất), Hòn Khô Mẹ, Hòn Khô Con, Hòn Lá, Hòn Dài, Hòn Mồ, Hòn Tai, Hòn Ông.
Với hơn 500 loài lâm sản quý hiếm, 135 loài san hô thuộc 35 giống khác nhau cùng với nhiều loài động vật trong sách đỏ thì vào năm 2009, Cù Lao Chàm vinh hạnh được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Cù lao Chàm là một di tích văn hoá lịch sử gắn với sự hình thành và phát triển của đô thị thương cảng Hội An. Tại đây còn nhiều di tích thuộc các nền văn hoá Sa Huỳnh, Chăm Pa, Đại Việt, với các công trình kiến trúc cổ của người Chăm và người Việt có niên đại vài trăm năm.
9. Các làng nghề truyền thống
Tại Hội An có 4 làng nghề truyền thống nổi tiếng là làng gốm Thanh Hà, làng nghề làm đèn lồng, làng mộc Kim Bồng và cuối cùng là làng rau Trà Quế. Đến thăm những làng nghề này, du khách có thể tham quan, tìm hiểu kỹ hơn về những làng nghề truyền thống nổi tiếng này hoặc tham gia trực tiếp vào những công đoạn sản xuất chính, được hướng dẫn bởi người dân hoặc những người thợ địa phương lành nghề.
Làng gốm Thanh Hà
Nằm ngay bên bờ sông Thu Bồn, cách phố cổ Hội An khoảng hơn 3km về phía Tây, làng gốm Thanh Hà được hình thành từ cuối thế kỷ 15. Ban đầu làng nghề chỉ tập trung sản xuất bát chén, chum vại, ngói lợp, gạch lát nền cho nhà cổ ở Hội An và các khu vực lân cận thì giữa thế kỷ 16 đến cuối thế kỷ 18, làng gốm Thanh Hà phát triển một cách mạnh mẽ với các sản phẩm đất nung nổi tiếng bền đẹp, từng được triều đình nhà Nguyễn đưa vào danh sách “thổ sản quốc gia”.
Làng nghề làm lồng đèn
Lồng đèn có thể xem là biểu tượng của phố cổ Hội An, vậy nên ở Hội An từ lâu việc làm đèn lồng đã trở nên phát triển đến nỗi hình thành làng nghề làm đèn lồng có niên đại hơn 400 năm. Làng nghề này cũng được vinh danh là làng nghề tiêu biểu Việt Nam trong tổng số 9 làng nghề truyền thống trong cả nước.
Làng mộc Kim Bồng
Làng mộc Kim Bồng tên cũ là Kim Bồng Châu, nay một phần lớn thuộc xã Cẩm Kim, thành phố Hội An. Thông qua thương cảng Hội An sầm uất, các sản phẩm mộc Kim Bồng đã vang danh xứ Đàng Trong từ thế kỷ 15-16. Nghệ nhân làng mộc Kim Bồng từng tự hào với việc cha ông họ đã được vua chúa nhà Nguyễn mời ra kinh đô xây dựng và tôn tạo các công trình thành quách, lăng tẩm.
Làng rau Trà Quế
Làng rau Trà Quế hiện nay có hơn 130 hộ chuyên trồng rau luân canh, xen canh trên diện tích 40 ha. Làng rau nổi tiếng với hơn 20 chủng loại rau ăn lá và rau gia vị, một số loại rau thơm ở đây cũng được xem là ngon nhất ít nơi nào có hương vị sánh bằng: húng, é, tía tô… hội tụ đủ 5 vị cay, chua, ngọt, đắng, chát.